Bệnh gút là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa bệnh gút hiệu quả

Gút (gout) là một căn bệnh khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay, bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên từ 30 - 50 tuổi, đặc biệt là ở những người béo, ưa uống rượu, ăn chế độ nhiều đạm. Nếu không được chữa trị kịp thời gout có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Vậy bệnh gút là gì? Nguyên nhân gây bệnh gút là gì? Bệnh gút có những triệu chứng, biểu hiện như thế nào? Có những cách nào chữa trị bệnh gút an toàn và hiệu quả nhất? Cùng Chuyên Sức Khỏe Sắc Đẹp đi sâu tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết sau đây.


  • Gout Nano Fast – Viên sủi thảo dược tiêu gout số 1 Việt Nam

Bệnh gút là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa bệnh gút hiệu quả.

Bệnh gút là gì?

Bệnh gút còn được gọi là bệnh gout (tiếng Pháp) hoặc còn gọi là bệnh thống phong (theo Đông Y). Gút là một dạng viêm khớp, bệnh thường phát triển ở một số người có nồng độ axit uric cao trong máu. Axit uric được sản sinh từ sự phân hủy của các chất gọi là purin. Purin có trong tất cả các mô của cơ thể. 

Tăng axit uric máu là yếu tố đặc trưng của bệnh gout. Khi nồng độ acid uric trong máu tăng lên, dẫn tới lắng đọng tinh thể urat tại các khớp, sụn, xương, tổ chức dưới da, các mô ngoài khớp, nhu mô và ống thận, mạch máu… gây bệnh gút và các biến chứng từ nhẹ đến nặng của bệnh.

Đặc trưng của bệnh gút là những cơn đau đột ngột giữa đêm gây sưng tấy ở khớp, đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp ở chân khác (đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và ít gặp hơn ở khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay). Cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng thường rất hiếm.

Bệnh gout thường xảy ra với nam giới trung niên (tuổi 40 - 50) chiếm 95% và những người có nguy cơ cao là béo phì, nghiện rượu, cà phê, người có tiền sử gia đình bị bệnh gout... ở nữ thường xảy ra sau thời kỳ mãn kinh.

Nguyên nhân gây bệnh gút là gì?

Sự gia tăng bất thường của nồng độ acid uric trong máu được xác nhận là nguyên nhân chính tạo nên các cơn gút.

Các phân tử axit uric trong máu bình thường sẽ vô lợi vô hại và được đào thải qua sự bài tiết ở thận nhưng khi ở nồng độ lớn (trên 420 μmol/L ở nam giới, trên 380 μmol/L ở nữ giới) chúng sẽ tích tụ, kết tủa các tinh thể muối urat ngay tại các vị trí khớp, sụn, xương gây ra viêm, tấy, sưng khớp vô cùng đau đớn cho người bệnh.

Axit uric được sinh ra từ sự phân hủy của purin có mặt trong tất cả các mô, tế bào của cơ thể. Purin cũng được hấp thụ khá nhiều từ thức ăn hàng ngày như gan, các loại đậu thậm chí rà rau củ quả cũng có chứa hàm lượng purin nhất định.

Các tinh thể axit uric - Ảnh mô phỏng.
Tăng axit uric là hậu quả của hai quá trình tăng sinh tổng hợp axít uric trong cơ thể và giảm bài xuất axit uric qua thận.  Sự tăng sinh tổng hợp axit uric chủ yếu do ba nguyên nhân: tăng bẩm sinh, tăng sinh nguyên phát và và tăng sinh thứ phát.

- Tăng bẩm sinh: do cơ thể người bệnh bị thiếu men HGPT ngay từ khi còn nhỏ bởi vậy lượng acid uric không ổn định sẵn. Trường hợp này rất hiếm gặp nhưng khi gặp thì bệnh lại rất nặng, rất khó phát hiện và rất khó chữa.

- Tăng sinh nguyên phát: là nguyên nhân gắn liền với yếu tố gen di truyền, cơ địa. Bệnh nhân trong trường hợp này có sự tổng hợp purin nội sinh cao hơn người bình thường nên nồng độ acid uric trong máu cũng tỷ lệ thuận tăng theo.

- Tăng sinh thứ phát: Là yếu tố bên ngoài, vì lý do nào đó mà người bệnh khiến cho lượng acid uric trong máu tăng mạnh. Sự tiêu thụ các loại thức ăn chứa nhiều nhân purin như thịt đỏ, nội tạng động vật, nấm, cá hay thói quen uống rượu bia không kiểm soát là những tác nhân chủ yếu kích thích sự gia tăng acid uric trong máu cao và cũng là vấn đề phức tạp trong quá trình điều trị các triệu chứng bệnh gút. Đây là nguyên nhân chính khởi phát lên các cơn đau gút trong xã hội ngày nay.

Ngoài vấn đề ăn uống hàng ngày thì các bệnh lý về huyết học như đa hồng cầu, kinh thể tủy, sarcom hạch, đau tủy xương đều tăng cường thoái giáng lượng purin nội sinh từ đó phá hủy nhiều tế bảo, các mô khớp hay vấn đề thừa cân, môi trường sống bị nhiễm chì, từng cấy ghép bộ phận, sử dùng thuốc lợi tiểu hoặc vitamin niacin khiến purin khó phân hủy cũng là điều kiện thuận lợi để gút phát triển.

Dấu hiệu nhận biết, biểu hiện,  triệu chứng bệnh gút như thế nào?

Để hiễu rõ các biểu hiện, dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh gút chúng ta cần tìm hiểu rõ 3 vấn đề sau: Bệnh gút đâu ở đâu, triệu chứng đau như thế nào, các giai đoạn hình thành và phát triển của bệnh gút.

Các giai đoạn của bệnh gút là gì?

Dựa vào mức độ nghiêm trọng, bệnh gout được chia thành 3 giai đoạn, đó là gout khởi phát, gout cấp tính và gout mãn tính:

- Gout khởi phát: Ở giai đoạn đầu, mức axit uric trong máu đã tăng lên nhưng vẫn chưa xuất hiện các triệu chứng bệnh gút. Bạn có thể không bao giờ cảm nhận được các dấu hiệu của bệnh. Thông thường, người bệnh chỉ nhận thấy triệu chứng đầu tiên của bệnh gout sau khi họ bị bệnh sỏi thận.

- Gout cấp tính: Ở giai đoạn này, nồng độ axit uric lúc này rất cao, dẫn đến hình thành các tinh thể xuất hiện ở ngón chân. Trong giai đoạn này, bạn sẽ cảm thấy đau khớp nhưng cơn đau sẽ không kéo dài. Một thời gian sau, bạn sẽ gặp các triệu chứng khác của bệnh gout với cường độ và tần suất ngày càng gia tăng.

- Gout mãn tính: Ở giai đoạn này, các triệu chứng của bệnh sẽ không biến mất và các tinh thể axit uric sẽ tấn công nhiều khớp. Đây là giai đoạn sẽ xuất hiện các khối chất nổi (hạt tô phi) dưới da. Tình trạng này sẽ làm bạn bị đau nghiêm trọng hơn và có thể phá hủy sụn.

Bệnh gút thường gây đau ở đâu?

Khi gút tấn công, bạn sẽ phải chịu đựng cơn đau, tấy buốt. Điều này gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, cũng như sinh hoạt hàng ngày của bạn. Vậy bệnh gút thường gây đau ở đâu? Dưới đây là các vị trí mà bệnh gút có thể tấn công:

- Khớp chi dưới: Các khớp chi dưới là vị trí dễ bị gút tấn công nhất. Bệnh gút thường khởi phát ở khớp ngón chân cái, khớp đầu gối, mắt cá chân… đầu tiên, sau đó mới tới các vị trí khác.

- Khớp chi trên: Ở các khớp chi phía trên cơ thể, đau gút thường biểu hiện khá rõ ràng xung quanh các khớp ngón tay, khuỷu tay. Lúc này, bạn có thể thấy cảm giác giống như bị trật khớp. Khớp tay chuyển sang màu đỏ, da căng bóng, nếu nặng có thể bị bong tróc.

- Khớp thần kinh: Khớp thần kinh nằm ở vị trí hai bên của xương chậu. Gút xuất hiện tại vị trí này có thể gây ra các cơn đau thắt lưng. Bệnh gút ở lưng khiến nhiều người chủ quan và nhầm lẫn với tình trạng viêm khớp khác nên việc điều trị thường không chính xác.

- Gút đa khớp: Gút đa khớp là tình trạng bệnh tấn công ở nhiều khớp cùng một lúc. Gút đa khớp thường xuất hiện ở giai đoạn mạn tính, khiến bạn bị cơn đau tấn công trong thời gian dài và nhanh tái phát hơn.

Bệnh gút đau như thế nào?

Các dấu hiệu bệnh gút rất khó nhận biết bởi nó dễ bị nhầm lẫn với tình trạng viêm khớp khác. Dưới đây là những dấu hiệu bệnh gút bạn cần phải biết để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

- Đau khớp dữ dội: Khi bị bệnh gút, bạn sẽ thấy có những cơn đau dữ dội tại khớp. Đau mạnh nhất trong vòng từ 4 – 12 giờ đầu tiên rồi giảm dần và hết sau khoảng 7 - 10 ngày.

- Cơn đau khớp dữ dội về đêm: Khác với các bệnh viêm khớp, đau do gút thường mạnh hơn về đêm và ảnh hưởng tới giấc ngủ của người bệnh.

- Da bị đỏ, ngứa và bong tróc: Khi bị bệnh gút, bạn sẽ thấy các khớp bị đỏ, trông giống như nhiễm trùng. Khớp có thể bị ngứa, da xung quanh bong tróc sau khi cơn đau gút thuyên giảm.

- Cơn đau tái phát theo đợt: Gút sẽ hành hạ người bệnh theo từng đợt bất thường. Những đợt đau gút tái phát có thể cách nhau từ vài tháng tới vài năm tùy thuộc cách mà bạn kiểm soát bệnh.

- Sốt: Vì các triệu chứng diễn biến ở nhiều bộ phận trên cơ thể, nên người bệnh còn cảm thấy các triệu chứng khác như: Ớn lạnh, sốt nhẹ và chán ăn, sức khỏe kém.

Cách chẩn đoán và chữa trị bệnh gút hiện nay như thế nào?

Bệnh gút được chẩn đoán bằng những kỹ thuật y học nào?

Bệnh gout thường rất khó để chẩn đoán chính xác vì các triệu chứng gần giống với các bệnh khác. Bạn có mức axit uric cao không có nghĩa là đã mắc bệnh gout.

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán từ bệnh sử và khám lâm sàng. Ngoài ra, các bác sĩ có thể làm xét nghiệm đo nồng độ acid uric trong máu nhưng xét nghiệm này có thể không đáng tin cậy, vì không phải ai có nồng độ acid uric trong máu cao cũng bị gút.

Cách chắc chắn nhất để chẩn đoán bệnh gút chọc hút dịch khớp. Phương pháp này sử dụng kim lấy chất dịch từ khớp. Chất dịch này được kiểm tra xem liệu có chứa các tinh thể axit uric hay không. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể tiến hành một số xét nghiệm khác để đảm bảo kết quả chẩn đoán như:

  • Phân tích chất lỏng hoạt dịch
  • Thử máu. Xét nghiệm nhằm giúp bác sĩ xác định lượng axit uric có cao hay không
  • Chụp X-quang khớp
  • Siêu âm khớp
  • Chụp CT.

Cách chữa bệnh gút như thế nào cho an toàn và hiệu quả?


Ở nước ta hiện nay, bệnh gout thường được điều trị bằng 2 phương pháp chủ yếu là theo Tây Y và theo Đông Y. Vậy điều trị bệnh gút theo Tây y hoặc theo Đông y sẽ như thế nào?

Điều trị bệnh gút theo Tây Y

Theo Tây Y thì có 2 phương pháp chủ yếu đó là dùng thuốc hoặc phẫu thuật  loại bỏ các hạt tô phi. Hạt tô phi là những hạt lồi thường xuất hiện dưới da do lắng đọng tinh thể acid uric ở bệnh nhân gout mãn tính. Hạt tophi thường xuất hiện ở tai, ngón tay, ngón chân, xung quanh mắt cá chân và khuỷu tay.

Hạt tophi xuất hiện ở tai, tay, chân ...
- Sử dụng các thuốc điều trị giảm acid uric máu

Bệnh nhân bị gút cần được khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa để được sử dụng thuốc chống viêm không steroid và/hoặc phối hợp với colchicin, thuốc giảm đau nếu cần. Không nên lựa chọn đầu tiên thuốc chống viêm corticoid như prednisolon, dexamethason, chỉ được sử dụng thuốc này khi bác sĩ chuyên khoa thấy thật cần thiết.

+ Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc này sau 1-2 tuần khởi phát cơn gout cấp để tránh làm nặng cơn gout cấp.

+ Mục tiêu điều trị là kiểm soát acid uric máu dưới 360 µmol/L (60 mg/L) với gout chưa có hạt tô-phi và dưới 320 µmol/L (50 mg/L) khi gout có hạt tô-phi.

+  Thuốc: Allopurinol, febuxostat hay probenecid, lưu ý tác dụng phụ gây dị ứng của thuốc.

- Điều trị bằng phẫu thuật

Việc chỉ định phẫu thuật cắt hạt tô-phi trong gout mạn tính rất hạn chế vì lý do khó liền vết thương bởi sự lắng đọng tinh thể urate là liên tục. Do đó, phẫu thuật hạt tô-phi khi hạt tôphi có biến chứng nhiễm trùng hoặc hạt quá to ảnh hưởng đến chức năng vận động và biến dạng khớp, hạt tô-phi làm đau đớn nhiều.

Điều trị bằng Đông Y

Như trên ta đã biết là điều trị gút theo Tây y bằng phương pháp chủ yếu là làm sao để giảm nhanh lượng axit uric trong máu, giải phóng các tinh thể urat trong các khớp xương giúp làm giảm nhanh các cơn gout cấp.

Tuy nhiên, thuốc giảm đau là con dao hai lưỡi ngoài giảm đau thì thuốc còn gây nên các tác dụng phụ có ảnh hưởng nguy hiểm đến một số cơ quan khác của cơ thể như: ức chế hệ thần kinh trung ương, viêm dạ dày, tá tràng hoặc xuất huyết tiêu hoá, suy thận, rối loạn chức năng gan, nhức đầu, tiêu chảy hoặc nổi sẩn, mẩn ngứa, sốt, hoại tử biểu bì nhiễm độc, suy tủy, viêm mạch máu…nếu được sử dụng trong một thời gian dài, liên tục.

Đông y điều trị bệnh gút (thống phong) theo đông y thường dựa vào chứng và mạch; đồng thời kết hợp với việc ăn uống kiêng cữ đúng mức. Đông y thường chú ý đến các giai đoạn phát triển của bệnh: Lần đầu hay tái phát 2 hay 3 lần trở lên, sưng đỏ hay không sưng, khớp chưa hay có biến dạng.

Nếu là thể cấp tính, chủ yếu dùng phép trị “Thanh nhiệt, khu phong trừ thấp, thông lạc”

Nếu thể mãn tính, thường kèm theo “đàm thấp, hàn ngưng, huyết ứ” nên dùng pháp “Trừ thấp, hóa đàm, ôn kinh tán hàn, hoạt huyết thông lạc”

Bệnh lâu ngày thường làm khí huyết suy yếu, âm dương bất hòa, cần bồi bổ khí huyết Can Thận để nâng cao chính khí.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý khi mắc bệnh gút

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh gút hiệu quả?

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình tại nhà nếu bạn lưu ý vài điều dưới đây:


  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn
  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn
  • Giảm cân nếu bạn đang béo phì
  • Tránh ăn nội tạng, nhất là gan, cá mòi và cá trống
  • Ngừng uống rượu
  • Giảm sử dụng các thức uống có cồn, đặc biệt là bia
  • Tập thể dục hằng ngày
  • Uống cà phê và bổ sung vitamin C (có thể có ích ở một số người)
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều purine
  • Có chế độ ăn ít chất béo bão hòa và các sản phẩm chứa ít chất béo
  • Thay thế dùng đường tinh luyện bằng đường tự nhiên trong rau củ và ngũ cốc
  • Tránh ăn hải sản và thịt đỏ
  • Uống nhiều nước.


Làm thế nào để giảm các triệu chứng đau gout tại nhà?

Kiểm soát cơn đau gút là một phần quan trọng với người mắc gút. Nếu bạn bị cơn đau gút tấn công, hãy thử những lời khuyên dưới đây:

- Nghỉ ngơi: Nơi tốt nhất để không bị cơn đau gút tấn công là bạn nên nằm nghỉ ngơi trên giường. Hãy để các khớp được thư giãn, cơ thể thả lỏng, bạn sẽ thấy đỡ đau hơn.

- Giữ khớp luôn thông thoáng: Giữ cho phần khớp bị đau được thông thoáng và không phải “gánh” thêm bất cứ đồ vật nào. Trọng lượng của quần áo hoặc một số đồ trên giường đều có thể khiến bạn có cảm giác đau đớn hơn gấp nhiều lần.

- Uống đủ nước: Uống đủ nước rất quan trọng trong một cuộc tấn công bệnh gút. Điều này có thể giúp loại bỏ các tinh thể axit uric ra khỏi cơ thể bạn.

Tham khảo thêm: Bệnh gút nên ăn gì và kiêng gì? Chế độ ăn uống cho người bệnh gout

Chuyên sức khỏe sắc đẹp (tổng hợp)
Bệnh gút là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa bệnh gút hiệu quả Bệnh gút là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa bệnh gút hiệu quả Reviewed by Minh Ngọc on 07:06 Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.